Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2007

THỊ TRƯỜNG NGÀY GIÁP TẾT



Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới càng lúc càng gần, tại TP.HCM, Hà Nội, Huế và nhiều trung tâm kinh tế khác, các cửa hàng không lúc nào vắng bóng khách vãng lai và mua sắm. Nguyên nhân chính vẫn là người người nô nức đón xuân, nhà nhà chuẩn bị cho một năm mới tốt lành, yên vui. Và điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế nước ta đang có những bước phát triển mới.

  • TP.HỒ CHÍ MINH "THIÊN ĐƯỜNG" CỦA MUA SẮM

Sức mua những ngày giáp Tết tăng cao

Sức mua của người dân thành phố đang nóng dần theo từng ngày trôi qua cho đến chiều 29 Tết. Theo nhận xét của nhiều khách hàng, hàng tết năm nay chất lượng cao hơn năm ngoái rất đáng kể. Người dân không còn phân biệt giữa hàng nội hay hàng ngoại nhập, bởi chất lượng giữa hàng nội và hàng ngoại tương đương nhưng giá hàng sản xuất trong nước lại rẻ hơn rất nhiều. Thị trường thành phố tràn ngập những sản phẩm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đã khiến cho người tiêu dùng ngày càng yên tâm hơn và không cần phải đắn đo chọn lựa khi mua sắm.

Ngày Tết, một trong những mặt hàng bán chạy nhất là sản phẩm bánh kẹo của các Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô, Vinabico… Đã từ lâu người dân thành phố trở nên khá quen thuộc với các nhãn hiệu trong nước. Đặc biệt là đối với bánh kẹo Kinh Đô, với bánh cookies nhân mứt, bánh crackers wasabie, kẹo trái cây… nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn có mặt ở hơn 20 quốc gia. Vinabico đi vào tiềm-thức-mua-sắm của khách hàng trong nước với kẹo chocolate - sản phẩm này đã vươn thị phần ra nhiều nước trên thế giới.

Theo sau mặt hàng bánh kẹo là rượu, bia, lạp xưởng, đồ hộp các loại, giò lụa, giò thủ v.v… Ngoài các chợ trong thành phố, siêu thị lúc nào cũng tấp nập người đi sắm Tết, thậm chí phải xếp hàng đợi đến lượt ở các quầy tính tiền.

Chị Nguyễn Thị Tranh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối bán lẻ Co.op mart cho biết: ”doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị Co.op Mart chỉ tính riêng trong ngày 28 Tết đã đạt gần 14 tỷ đồng. Doanh số bán hàng Tết năm nay tính đến 7 ngày trước Tết đã tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 siêu thị của hệ thống, siêu thị đạt doanh số cao nhất trong ngày 28 Tết thuộc về siêu thị Đinh Tiên Hoàng - với doanh số bán ra (chưa tính thuế) 2 tỷ 540 triệu đồng; kế tiếp là siêu thị Nguyễn Đình Chiểu đạt 2 tỷ 450 triệu đồng; siêu thị Cống Quỳnh đạt 1 tỷ 824 triệu đồng; siêu thị Nguyễn Kiệm đạt 1 tỷ 600 triệu đồng; siêu thị có doanh số thấp nhất cũng đạt 300 triệu đồng”.

Phải nói rằng cho đến tối 29 Tết, nhân viên phục vụ ở các siêu thị đã bị quá tải. Bình quân một ngày có trên 7.000 phần quà được gói cho khách hàng, mỗi gói quà có giá từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Cá biệt có gói quà trị giá 5 triệu đồng.

  • THỊT HEO, BIA, RƯỢU NGOẠI HÚT HÀNG

Do ảnh hưởng của dịch cúm gà, hàng thực phẩm có xuất xứ từ heo được bán chạy hơn bao giờ hết. Những sản phẩm đồ hộp của Vissan, Hạ Long, Tuyền Ký luôn luôn đông khách. Đặc biệt, giò chả của Vissan tại các hệ thống siêu thị không kịp phục vụ.

Trước cửa chợ Bến Thành

Trong số các mặt hàng tăng giá từ 01.01.2004 đến nay phải kể đến rượu, bia. Nếu như ngày Tết không thể thiếu bánh chưng xanh và thức ăn, thì rượu, bia là “món ăn theo” càng không thể thiếu. Khảo sát một vòng quanh thị trường, tất cả các loại bia lon, bia chai các hãng đều đồng loạt tăng giá ít nhất là 10 – 12%. Tại các đại lý, bia SanMiguel tính đến 29 Tết có giá 140.000 đồng/thùng; bia 333 có giá 170.000đồng/thùng; bia Tiger có giá 205.000 đồng/thùng; bia Heineken 245.000 – 250.000 đồng/thùng… Đặc biệt, rượu mạnh sản xuất trong nước tăng tới 35 – 40%. Rượu ngoại đủ giá không thể biết chính xác là bao nhiêu tuỳ thuộc vào tiền nào của đó, nhất là khi rượu trở nên khan hiếm vào ngày cận Tết.

Như vậy, trong chuyện tăng giá này do hút hàng, người được lợi nhiều nhất vẫn thuộc về các đại lý, người tiêu dùng vẫn luôn bị thiệt trong dịp Tết vì giá cứ tăng theo thời khắc giao thừa sắp đến; mặc dù các nhà máy bia chạy liên tục 3 ca vẫn không đủ hàng để cung ứng cho thị trường.

Bài: NGUYỆT QUẾ

Ảnh: ĐỨC HUY

Không có nhận xét nào: